Cuối cùng, trong Chương Trình Giáo Dục Sức Khỏe, chúng tôi muốn chia sẻ về việc sử dụng túi chườm nóng để giảm tình trạng chuột rút và giảm đau cơ.
Để thực hiện, bạn có thể sử dụng túi chườm nóng ướt, dùng khăn bông mềm và sạch để ngâm trong nước có nhiệt độ từ 40 đến 50 độ. Sau đó, vắt khô và chườm lên vùng đau trong khoảng 5 phút. Thay túi chườm sau mỗi lần sử dụng và thời gian tối đa là 15 phút.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng túi chườm nóng hoặc túi treo giữ nhiệt, chườm vào vùng đau trong khoảng 10 đến 15 phút và thực hiện 3 lần mỗi ngày.
Lưu ý an toàn là không nên chườm nóng đối với vết thương hở, vùng da nóng sưng đỏ, viêm, chấn thương đang chảy máu. Đồng thời, không chườm nhiệt độ quá nóng để tránh gây bỏng da. Luôn kiểm soát miệng túi trong suốt thời gian chườm và tránh tình trạng nước nóng chảy ra gây phỏng.
Để phòng chống té ngã, nên chọn giày dép rộng vừa đủ chân, có phần đệm thêm ở gót giày. Nếu bị đau gót chân, đau gối hoặc đau lưng, hãy chọn giày phù hợp nhất với nơi sinh sống và đi bộ, chẳng hạn như giày không thấm nước ở nơi hay mưa, hoặc giày có độ bám đường tốt ở nơi có đường dễ trơn trượt.
Một điều quan trọng khi tập luyện là luôn thực hiện theo khả năng của mình và không quá sức. Bài tập tốt nhất là bài tập mà bạn thích, nhưng yếu tố an toàn luôn là quan trọng hàng đầu. Luôn thực hiện bài tập gần tường, ghế cố định hoặc có người hỗ trợ xung quanh. Đặc biệt, lưu ý độ trơn trượt của sàn nhà nơi tập luyện.
Nội dung sổ tay Vật lí trị liệu bệnh xơ cứng cột bên teo cơ và ngân hàng video hướng dẫn các bài tập là sản phẩm của Dự Án Phục Hồi Chức Năng dựa vào cộng đồng, được thực hiện và phát triển bởi nhóm sinh viên lớp Kỹ Thuật Phục Hồi Chức Năng 2019, Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự hướng dẫn chuyên môn từ Thạc Sĩ Vật Lý Trị Liệu Nguyễn Thanh Duy.
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Bích Hồng, Kim Tuyến, Như Quỳnh, Đào Phượng, Thùy Vân, Ánh Dương, Nguyễn Hằng, Thùy Linh, Thái Nguyên, Linh Thư, Bảo Tú khóa Kĩ thuật Phục hồi Chức năng 2019 và Thạc sĩ Vật lí trị liệu Nguyễn Thanh Duy Phó trưởng Bộ môn Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh vì đã hiện thực hóa dự án này.